I√\/\$$$ƒÄng
Xem thêm
Hôm nay là Thứ Hai, 27 Tháng Tư 2011
Kinh tế - Xã hội 27/04/2011
Tình hình phát triển kinh tế huyện Vân Đồn
Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế trên địa bàn huyện Vân Đồn là: nền kinh tế của huyện về cơ bản vẫn là trên nền kinh tế nông-lâm- ngư nghiệp; kinh tế hàng hoá chưa phát triển.
Hiện nay cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch và thuỷ sản, giảm tỷ trọng các ngành nông-lâm nghiệp. Bên cạnh đó kinh tế ngoài quốc doanh tăng lên tương đối nhanh so với kinh tế quốc doanh.
Tỷ trọng kinh tế giữa các ngành trong huyện năm 2005 như sau:
o Dịch vụ du lịch chiếm: 36%
o Công nghiệp - Xây dựng chiếm: 10%
o Nông - Lâm- Ngư - nghiệp chiếm: 54,3%;
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, cho tới nay, vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, đặc biệt sản xuất chế biến thủy sản. Ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm chiếm tỷ trọng nhỏ nhất.
Tình hình phát triển của một số ngành kinh tế trên địa bàn huyện như sau.
2.1. Ngành thuỷ sản
Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là thế mạnh kinh tế của huyện Vân Đồn.
Với diện tích mặt nước biển gần 160 nghìn ha, tiếp giáp với các ngư trường lớn, có hệ thống bến cảng và lực lượng phương tiện, lao động chuyên môn có nhiều kinh nghiệm, ngành thuỷ sản thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn huyện.
Trong các năm qua, việc phát triển đội tàu đánh cá xa bờ đã đem lại bài học rất bổ ích là: phương thức khai thác hải sản xa bờ vừa có năng suất cao, vừa bảo vệ được nguồn lợi trong vùng nội thuỷ của quốc gia. Vấn đề đặt ra là cần có nguồn vốn lớn để thường xuyên nâng cấp phương tiện và trang thiết bị để đủ sức cạnh tranh trên ngư trường quốc tế. Vấn đề nêu trên rất đáng quan tâm đối với công tác bảo tồn, vì nó mở ra một hướng khai thác bền vững nguồn lợi biển.
2.2. Ngành giao thông
Hiện nay giao thông giữa huyện Vân Đồn và các huyện khác trong tỉnh khá thuận lợi, từ quốc lộ 18 tại Cửa Ông, qua cầu Tài Xá 7 km là đến huyện lỵ huyện Vân Đồn. Đường giao thông trong nội bộ huyện bao gồm: đường 334 đoạn Tài Xá - Vạn Hoa dài 41,7 km; đoạn Cái Rồng-Đài Xuyên 17 km; đường Quan Lạn-Minh Châu dài 12 km; đường trên đảo Trà Bản (bao gồm diện tích một số xã: Minh Châu, Bản Sen, Quan Lạn) dài 12,8km; đường trên đảo Ngọc Vừng dài 8,5 km; đường trên đảo Thắng Lợi dài 4km.
Đường giao thông nông thôn chưa phát triển. Việc thông cầu Bãi Cháy và cầu Vân Đồn đã rút ngắn thời gian đi từ Bãi Cháy đến Cái Rồng chỉ còn 1 giờ .
Năm 2007 tuyến xe buýt Bãi Cháy – Vân đồn đã được đưa vào hoạt động tạo điều kiện cho nhiều du khách đến tham quan Bái Tử Long sau khi tham quan vịnh Hạ Long và ngược lại.
Là một huyện đảo nên giao thông trên biển là lợi thế của huyện Vân Đồn. Trong các năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình biển Đông, nhiều cảng biển và cầu cảng đã được xây dựng trên tất cả các xã đảo. Đồng thời huyện Vân Đồn còn nằm trên luồng lạch biển quốc gia, luồng từ các tỉnh duyên hải Bắc Bộ đi Trung Quốc, trong số đó có 2 luồng đi qua địa phận VQG Bái Tử Long: một luồng đi qua khu vực từ đảo Lỗ Hố đến cửa Đối; và một luồng đi qua khu vực đảo Sậu Đông. Đối với việc phát triển kinh tế luồng lạch biển tạo ra nhiều thuận lợi cho huyện trong việc buôn bán, trao đổi thương mại và vận tải.
Các luồng tàu khách ra các xã trên đảo nhỏ gồm:
o Tàu khách Cái Rồng – Quan Lạn. Ngày 2 chuyến đi về. Sáng xuất phát từ 2 đầu bến lúc 7h00. Chiều xuất phát 2 đầu bến 13h00. Giá vé tháng 4 năm 2008: 55.000đ/người/lượt.
o Tàu khách Cái Rồng –Minh Châu. Ngày 2 chuyến đi về. Sáng xuất phát từ 2 đầu bến lúc 7h00. Chiều xuất phát 2 đầu bến 13h00. Giá vé tháng 4 năm 2008: 50.000đ/người/lượt.
o Tàu khách Cái Rồng – Ngọc Vừng. Ngày 2 chuyến đi về. Sáng xuất phát từ 2 đầu bến lúc 7h00. Chiều xuất phát 2 đầu bến 13h00. Giá vé tháng 4 năm 2008: 55.000đ/người/lượt.
o Tàu khách Cái Rồng –Thắng Lợi. Ngày 2 chuyến đi về. Sáng xuất phát từ 2 đầu bến lúc 7h00. Chiều xuất phát 2 đầu bến 13h00. Giá vé tháng 4 năm 2008: 55.000đ/người/lượt.
o Tàu khách Cái Rồng –Bản Sen. Ngày 2 chuyến đi về. Sáng xuất phát từ 2 đầu bến lúc 7h00. Chiều xuất phát 2 đầu bến 13h00. Giá vé tháng 4 năm 2008: 30.000đ/người/lượt.
Tuy vậy đối với lĩnh vực bảo tồn, các đường giao thông đi qua VQG gây nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ tài nguyên. Lợi dụng việc qua lại trên đường biển và sự hiểu biết về địa hình, luồng lạch, nên trong một thời gian dài trước đây nhiều thuyền bè thường đổ bộ vào các đảo khai thác gỗ và lâm sản. Hiện tượng này tuy đã giảm nhiều nhưng một số người theo thói quen vẫn lén lút vi phạm. Vì vậy cần thường xuyên tăng cường kiểm tra, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nói trên. Đây là một hoạt động đòi hỏi đầu tư rất nhiều nhân lực và tài chính (mua tàu xuồng và nhiên liệu) và cần được tính toán đầy đủ trong việc hoạch định kế hoạch bảo tồn VQG Bái Tử Long.
2.3. Ngành bưu chính viễn thông
Mạng lưới chuyển phát thư tín và bưu cục được thiết lập tới tất cả các xã trên toàn huyện đảo. Các dịch vụ báo chí, điện thoại, internet đang được mở rộng. Trong năm 2006 đã phát triển 61 thuê bao internet (trong đó có 20 thuê bao là đại lý và nối mạng đường truyền ADSL với điểm Bưu điện văn hoá xã Hạ Long, Đông Xá), 780 máy điện thoại cố định, nâng tổng số máy điện thoại cố định lên 5.050 máy; đạt tỷ lệ 11 máy/100 dân. Huyên đã tiến hành khởi công xây dựng trạm Vinaphone tại xã Hạ Long với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến phủ sóng mạng Vinaphone trong toàn huyện. Năm 2007, 12/12 xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại không dây đảm bảo thông tin liên lạc được kịp thời.
Các trạm kiểm lâm tại hiện trường trên đảo đều được trang bị điện thoại không dây, có thể chủ động liên lạc với trung tâm khi cần thiết.
2.4. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng
Do tiềm năng về các bãi bồi ven biển có diện tích lớn, trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện nay đang thu hút rất nhiều dự án san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho việc phát triển của các thị trấn, thị tứ trong tương lai.
Ngành xây dựng hiện nay đang chiếm tỷ trọng 16,5% trong nền kinh tế huyện và đang được tiếp tục đầu tư rất lớn.
Tuy nhiên, những hậu quả về môi trường của các hoạt động này – nhất là hậu quả đối với môi trường biển là khá rõ rệt. Do hiện tượng xói mòn, rửa trôi, độ trong nước biển trong khu vực sẽ bị suy giảm, cùng với sự lắng đọng của phù sa, sẽ tạo ra những yếu tố bất lợi đối với việc phát triển của các loài sinh vật biển nhất là đối với các loài như san hô, cỏ biển v.v....
Chính vì vậy, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và san lấp mặt bằng cũng rất cần được kiểm tra, kiểm soát để phát triển hợp lý, phù hợp với công tác bảo tồn của VQG .
2.5. Ngành du lịch
Ngành du lịch trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào du lịch biển bao gồm tắm biển, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên trên vịnh biển. Du lịch sinh thái hầu như chưa được triển khai. Bái Tử Long là một vịnh mở, môi trường biển còn hoang sơ, trong sạch, có nhiều bãi biển ven đảo rất đẹp như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, bãi Dài. Cảnh quan đẹp trên vịnh Bái Tử Long, các HST rừng nhiệt đới thường xanh trên các đảo, HST RNM và các rạn san hô thuộc VQG Bái Tử Long có sức hấp dẫn lớn đối với các du khách muốn thoả mãn nhu cầu khám phá thiên nhiên.
Tuy có nhiều hấp dẫn du lịch nhưng lại nằm ở các đảo, giao thông trên biển nhìn chung chưa thuận lợi, nên du khách phải tốn kém về thời gian và chi phí đi lại nhiều hơn so với đường bộ. Các cơ sở lưu trú mới phát triển, chất lượng các dịch vụ du lịch còn thấp so với các vùng xung quanh. Hiện nay do lượng khách chưa đông nên nhiều người chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp các dịch vụ du lịch và hạ tầng kỹ thuât. Ngược lại, chính do những hạn chế về dịch vụ và yếu kém về hạ tầng cơ sở nên chưa tạo được sự hấp dẫn đối với du khách. Đây là một mâu thuẫn mà ngành du lịch và các ngành liên quan cần có sự tính toán toàn diện để có một phương án tối ưu nhằm khắc phục những hạn chế, thu hút ngày càng nhiều du khách, thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.