vẹtcutie
Xem thêm
ngưỡng mộ wúa
Ông Mười Kinh bên người vợ bệnh
“Mọi người có tin 30 năm bán dạo tôi chưa tốn đồng nào tiền cơm hay tiền cà phê không? Vì tôi nhịn một ly cà phê 5.000 đồng thì vợ tôi có thêm hai cái hột gà, còn nhịn một phần cơm 10.000 thì vợ có thêm mấy lạng thịt cho bữa ăn”, ông già 80 tuổi nói.
Sài Gòn chiều cuối năm, những cơn mưa trái mùa kéo theo gió lạnh ùa về. Bên cây cầu Kinh bắc qua bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM), một lão ông vẫn ngồi đó, bên cạnh là chiếc xe đạp cà tàng, mớ hàng lèo tèo vài loại trái cây đã thâm đen.
Ông lão nói giọng run run: “Tôi tên Nguyễn Văn Mười, quê ở ấp Hoà Long, xã Vĩnh Phú (Lái Thiêu, Bình Dương) nhưng người ta hay gọi là Mười Kinh vì tôi
'sống' ở đây đã nhiều năm. Vợ tôi đang bệnh, thằng con năm nay 40 tuổi nhưng
thần kinh không tỉnh táo, bỏ nhà đi rồi. Năm nay tôi 80, bán dạo để nuôi vợ”.
Mười Kinh có lẽ là người bán hàng rong “số một Việt Nam” bởi không cần thách giá, khách mua thậm chí còn cho ông thêm tiền. Sở dĩ như vậy bởi những người mua hàng hiểu được hoàn cảnh của lão ông bán dạo này. Mười Kinh kể: “Ngày
trước tôi làm ruộng nhưng mất mùa liên miên phải xoay qua chăm sóc cây trái
trong vườn. Rồi bờ bao sông bị vỡ, nước ngập lênh láng, cây cối chết hết. Tôi
sắm chiếc xe đạp, mua trái cây ở Lái Thiêu chở đi bán. Cứ sáng đi chiều về, cũng
đủ nuôi ba miệng ăn...”
Buôn bán ở quê khó khăn, ông lên Sài Gòn. Mỗi ngày hì hụi đạp xe cả trăm cây số, sáng tờ mờ bắt đầu đi đến tối mịt mới về nhà.
Bán buôn cực khổ nhưng nhờ những đồng tiền thấm mồ hôi đó mà vợ con ông có cái ăn, cái mặc. Rồi tuổi cao, sức ngày càng yếu nên ông quyết định trụ lại Sài Gòn.
Từ năm giờ sáng, ông đã lọ mọ qua chợ Thanh Đa mua hàng. Lấy hàng xong thì đạp xe tìm chỗ nào đó ngả lưng chờ đến chiều đi bán. Mỗi ngày bán buôn như vậy, nếu may mắn, ông kiếm được dăm ba chục ngàn.
Để tiết kiệm tiền trọ, đêm đến, Mười Kinh vô khu chợ Thanh Đa mắc võng ngủ. Chuyện vệ sinh, tắm rửa, ông được bảo vệ nhà máy nước gần chợ Tầm Bu (quận Bình Thạnh) thương tình cho sửdụng
thoải mái mà không lấy tiền. Mười Kinh nói: “Mọi người có tin là ngần ấy năm tôi
chưa tốn đồng nào tiền cơm hay tiền cà phê không? Vì tôi nhịn một ly cà phê
5.000 đồng thì vợ tôi có thêm hai cái hột gà, còn nhịn một phần cơm 10.000 thì
vợ có thêm mấy lạng thịt cho bữa ăn”.
Bữa trưa của ông Mười chỉ là một bắp ngô
Buôn bán giữa cầu, có lần công an hốt cả người và xe hàng mang về đồn, nhưng rồi biết tình cảnh ông, họ tha về.
Đôi lần muốn chuyển địa bàn, ông qua khu công nghiệp Sóng Thần bán, nhưng ngồi mấy hôm, bán ế, ông lại về cầu Kinh, ngồi xích lại phía chân cầu để không ảnh
hưởng đến trật tự giao thông. Nhìn hình ảnh ông lão buôn bán ngoài trời mưa
nắng, khách mua hàng không khỏi ái ngại. Có người gợi ý nhận ông Mười về nhà
phụng dưỡng, nhưng ông lắc đầu. Tài sản của ông lão chẳng có gì quý giá ngoài
chiếc xe đạp cà tàng. Thế mà một lần ngủ quên, bị trộm mất. Sáng ra, chỉ còn lại
cái võng, ông lo đến phát ốm bởi mất cái “cần câu cơm”, sẽ có hai người chết
đói.
Hai vợ chồng già sống trong cảnh không con. Ông đi bán buôn kiếm cái
ăn, bà ở nhà lo công việc lặt vặt và chăm sóc luống rau, mảnh vườn. Trong một
lần ông Mười xa nhà, người ta báo tin vợ ông bị tai biến mạch máu não, đã chở đi
bệnh viện. Từ Sài Gòn, ông tức tốc chạy về chăm vợ. Nằm một tháng ở bệnh viện
tỉnh nhưng bệnh vợ không giảm, ông đưa vợ qua bệnh viện Y học dân tộc. Số tiền
bán vườn, ngoài chi phí sửa lại căn nhà, biến hết thành tiền thuốc. Điều trị
thêm một tháng thì vợ tỉnh, ông xin được đưa vợ về nhà điều trị.
Bốn năm nay, ông phải lo mọi bề. Nhưng cứ ở bên cạnh vợ như vậy thì không có cái ăn, ông nhờ mấy người cháu chăm sóc vợ rồi lên Sài Gòn bán hàng dạo. Cuối tuần, ông mang tiền về, mua thuốc men và gửi nhờ cháu ở nhà mua đồ ăn cho bà. Những lúc ở nhà, ông thường kể chuyện buôn bán cho bà đỡ buồn. Vợ ông tâm sự: “Ông ấy là động lực để tôi sống. Thấy ông quần quật suốt ngày như vậy, tôi thương lắm nhưng bệnh không thể làm được gì. Ông ấy toàn kể chuyện vui nghe được khi đi buôn bán, nhưng nhiều khi tôi linh tính ông giấu mấy chuyện buồn”.
Hình như linh tính của bà đúng, bởi sức khoẻ yếu, ăn mặc phong phanh nên có bữa ông mắc mưa bị cảm, ốm thập tử nhất sinh. Người ta đưa ông vào bệnh viện, tỉnh lại ông khăng khăng trở về với công việc bán dạo. Nói về mơ ước khi năm mới đến, ông thổ lộ:
“Mong là mắt tôi đừng mù để còn thấy đường đi bán buôn nuôi vợ. Có người khuyên tôi đi mổ mắt nhưng số tiền lớn quá. Còn làm việc được thì phải ráng chứ tôi nhất quyết không đi ăn mày”.
Đêm cuối năm, không khí lạnh tràn về, ông lão ngồi co ro bên gian hàng. Ông bảo tuy khổ cực nhưng ông thấy thanh thản vì được hy sinh cho người vợ yêu thương. Mười một giờ đêm, ông dọn hàng ra về. Hình ảnh ông lão còng lưng đẩy chiếc xe đạp hắt xuống lòng đường tạo thành một dấu
hỏi lớn: Có tình yêu nào đẹp hơn tình yêu ông lão bát thập này dành cho vợ