3 Bích Đi Trước
Xem thêm
Khi chồng không đeo nhẫn cưới |
Chiếc nhẫn cưới được coi là kỷ vật thiêng liêng của hai vợ chồng. Thế nhưng rất nhiều ông chồng lại "quên" đeo khiến không ít các bà vợ phiền lòng. |
Ảnh minh họa |
Cưới nhau đã được 4 năm, chị Hương (Q.Đống Đa, HN) chưa bao giờ phải suy nghĩ về sự chung thủy của chồng, nhưng cứ gặp ai chị lại kêu ca rằng chồng mình không chịu đeo nhẫn cưới. Dù có năn nỉ, dọa nạt thế nào anh Hùng - chồng chị cũng chỉ đeo vào một lúc cho vợ vừa lòng, rồi lại len lén tháo cất đi. Chồng chị tuy không đẹp trai, nhưng có duyên, cao to và quan hệ rộng. Chị sợ không thấy chiếc nhẫn ở ngón tay nhiều em trẻ trung lại tưởng chưa vợ, chạy theo cưa cẩm mất ông xã của mình. Mang vấn đề của mình lên một diễn đàn, chị Hương nhận được rất nhiều hồi âm chia sẻ về việc không theo nhẫn của chồng, cũng như các kế sách để chồng đeo nhẫn cưới. Đa phần lý do được nhiều chị em đưa ra giải thích cho cái sự lười đeo nhẫn của chồng là do thói quen từ nhỏ đã không đeo vật gì trên người, nay đeo nhẫn vào tay cảm thấy khó chịu, vướng tay. Hay có những trường hợp bị dị ứng kim loại, cứ đeo vào tay là bị mẩn ngứa, sưng tấy. Cũng có trường hợp bất khả kháng không thể đeo nhẫn cưới thường xuyên là vì nghề nghiệp, chị Thanh Hằng - nhân viên văn phòng ở Hà Nội từng tâm sự: "Chồng mình làm bác sĩ ngoại khoa, chỉ đúng vào ngày cưới là anh ấy còn đeo nhẫn, còn lại sau đó tháo ra cất vào tủ ngay, mới đầu mình không biết nên giận dỗi mất mấy hôm, nhưng sau đó anh ấy có giải thích rằng phải thường xuyên mổ cho bệnh nhân nên không thể đeo bất cứ vật gì trên tay". Chị em cũng đưa ra rất nhiều “chiêu" từ mềm dẻo đến cứng rắn để bắt chồng đeo nhẫn cưới như nói rõ tầm quan trọng của chiếc nhẫn, chẳng hạn: nó thể hiện tình yêu thương, sự gắn kết của vợ chồng, nhìn thấy chiếc nhẫn trên tay cũng như thấy hình ảnh của vợ (chồng)... Có chị còn mạnh tay hơn khi tuyên bố nếu chồng không đeo nhẫn thì vợ cũng không đeo, hay mách bố mẹ hai bên nhà... Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ tâm lý (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Nói về lịch sử thì chiếc nhẫn cưới được du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Chiếc nhẫn cưới trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn có một vị trí quan trọng, nó mang tính biểu tượng thể hiện người mang chúng là đã có gia đình, đồng thời thể hiện sự gắn bó (cặp đôi) và cả trách nhiệm của người mang nó. Vì nhẫn cưới nói lên nhiều điều nên với các bà vợ đa nghi thường hay suy diễn. Không đeo nhẫn là không chung thủy, là lừa dối, thích đi lăng nhăng... Sự nghi ngờ tùy hoàn cảnh và tình huống có thể đúng, có thể sai. Nhưng thường là sai nhiều hơn, bởi lẽ nhiều ông đeo nhẫn có khi cả mấy ngón liền mà vẫn tán tỉnh, bồ bịch bên ngoài. Với tình huống ngoại tình, khi cả hai đều quá biết về gia đình của nhau thì việc đeo hay không đeo nhẫn giờ không còn ý nghĩa gì cả". |